Tìm kiếm

Tiếp tục “cởi trói” cho hạt gạo

12:00:00   10/01/2017

Bộ Công Thương vừa có bước đi tiếp theo trong công cuộc “cởi trói” cho hạt gạo bởi quá nhiều điều kiện...

Tiếp tục “cởi trói” cho hạt gạo

Liên tục bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh để mở cửa cho xuất khẩu gạo.

KIỀU CHÂU
Sau khi chính thức bãi bỏ quy hoạch chỉ 150 thương nhân được phép kinh doanh xuất khẩu gạo, chiều 5/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục ký quyết định thành lập Tổ biên tập và Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2010 của Chính phủ. 

Đây được xem là bước tiếp theo trong công cuộc “cởi trói” cho hạt gạo trong thời gian khá dài bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm, việc xóa bỏ những thủ tục gây khó cho doanh nghiệp là việc không thể không làm. Đồng thời còn nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp giúp họ tiếp cận thị trường tốt hơn.

Theo quyết định này Ban soạn thảo sẽ do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh làm Trưởng ban, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương làm Thường trực Ban soạn thảo.

Thành viên của Ban soạn thảo sẽ gồm lãnh đạo các vụ, cục thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Tư Pháp, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương có liên quan.

Tổ Biên tập phải báo cáo Chính phủ trong quý 2/2017.

Dự kiến trong dự thảo sửa đổi sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn, thị trường do người mua quyết định cũng như tình trạng mất cân đối cung-cầu bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới.

Đồng thời, Tổ Biên tập này sẽ đánh giá lại thị trường để tìm ra những điểm mạnh và hạn chế trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác, từ đó có những định hướng về thị trường tốt hơn, nghiên cứu các giải pháp để hình thành các chuỗi và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp chể biến và doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu.

Trước đó, Nghị định 109 của Chính phủ được cho đã gây khó cho giới doanh nghiệp trong nước khi muốn kinh doanh trên quê hương. 

Theo Nghị định 109, doanh nghiệp muốn xuất khẩu, doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). 

Theo các chuyên gia, VFA cũng là tổ chức do hai doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau lãnh đạo.

Do đó, khi doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp thông tin về hợp đồng cho VFA cũng chính là cung cấp thông tin cho đối thủ cạnh tranh của mình. Doanh nghiệp Nhà nước ở đây có thẩm quyền như cơ quan Nhà nước, có quyền từ chối đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác. Đây là điều không bình đẳng. 

Nghị đinh 109 cũng kiểm soát giá, không bán gạo dưới giá sàn cũng là điều chưa thực sự hợp lý. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, khi giá lúa gạo trong nước thấp, doanh nghiệp mua thấp và có thể bán đi kiếm lời. 

Tuy nhiên, theo quy định trong Nghị định 109, doanh nghiệp không được bán dưới giá sàn nên khi giá sàn chưa kịp điều chỉnh thay đổi kịp thời với thực tế, doanh nghiệp không thể xuất khẩu gạo. Tình trạng này khiến hàng hóa tồn đọng, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế trong nước. 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 đạt gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD, giảm 26% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với năm 2015. 

  •